Tìm kiếm tin tức
Tin vắn y tế - sức khỏe
Ngày cập nhật 11/12/2015

THAY ĐỔI TRANG PHỤC CỦA Y SĨ, BÁC SĨ TỪ 2016

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 45/2015/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30/11/2015 quy định về trang phục y tế của người hành nghề khám, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh, người đến thăm, làm việc, người tình nguyện hỗ trợ người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, từ năm 2016, trang phục của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, y sĩ vẫn màu trắng như trước nhưng có thêm viền xanh dương rộng 0,5cm ở túi, tay và cổ áo. Với bác sĩ, vẫn là áo bouse màu trắng, tuy nhiên được chia làm 02 loại - áo hè thu và áo đông xuân với chiều dài áo ngang gối thay vì quá gối từ 05 - 10cm như trước. Cũng từ năm 2016, ngoài màu xanh lam, trang phục của người bệnh, người bệnh nặng còn có thêm loại nền trắng, kẻ sọc xanh lam hoặc nền sáng có họa tiết màu sẫm; kiểu dáng pyjama với người bệnh thường và áo dài tay, cổ tròn, cột dây phía sau với người bệnh nặng. Người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm lựa chọn, quy định màu sắc trang phục của người bệnh để sử dụng thống nhất tại đơn vị…

Đối với những trang phục đã được ký hợp đồng và may xong; được trang bị trước ngày 01/01/2016 không theo quy cách nêu trên được tiếp tục sử dụng, tối đa đến 24 tháng kể từ thời điểm cấp phát, trang bị cho người sử dụng.

Cũng theo Thông tư này, chậm nhất đến ngày 01/01/2018, các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên phải tổ chức giặt, là tập trung trang phục cho người hành nghề khám, chữa bệnh, người lao động, khách đến thăm, người bệnh và người nhà người bệnh (trừ khối hành chính); với các cơ sở còn lại, khuyến khích tổ chức giặt là tập trung nếu có điều kiện.

 

GIẤY CHUYỂN TUYẾN KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT CÓ GIÁ TRỊ TRONG 10 NGÀY

Với việc ban hành ra Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015, Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Theo Thông tư này, các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT bao gồm: Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng tỉnh; Người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bệnh viện y học cổ truyền tỉnh; Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên chữa bệnh nào. Sau giai đoạn cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu hoặc được chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định…

Khi người bệnh có thẻ BHYT được chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký. Người bệnh có thẻ BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh như lao, ung thư, HIV, suy tim… thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến ngày 31/12 năm dương lịch đó. Trường hợp đến hết ngày 31/12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

 

QUY ĐỊNH TIỀN LÃI CHẬM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ

Ngày 27/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định này là quy định về việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải nộp bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 09 tháng của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 09 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 09 tháng.

Với trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải nộp bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Số tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thu được, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp quyết toán riêng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Sau đó, tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội được bổ sung vào Quỹ hưu trí, tử tuất thuộc Quỹ bảo hiểm xã hội; tiền lãi chậm đóng bảo hiểm y tế được bổ sung vào Quỹ dự phòng bảo hiểm y tế để điều tiết chung; tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/01/2016 và áp dụng từ năm ngân sách 2016.

Phan Đăng Tâm (Trích nguồn Luật Việt Nam)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Các video khác
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 684.506
Truy cập hiện tại 13

Chung nhan Tin Nhiem Mang